Kinh đô/cố đô Hoa Lư trong không gian địa - văn hóa
Biến thiên của lịch sử, phù sa dâu bể khiến trên lát cắt đồng đại, con người hôm nay khó mà hình dung vị thế địa - văn hóa của kinh đô/cố đô Hoa Lư.
Từ thư tịch, ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư, cho thấy: "Bính Tý năm thứ 7(976), mùa xuân,thuyền buôn các nước ngoài biển đem dâng sản vật của họ" kết mối giao thương với Đại Cồ Việt. Từ ghi chép ấy, phải thấy kinh đô Hoa Lư thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê, thuyền buôn nước ngoài vào được kinh đô Hoa Lư. Nói cách khác, kinh đô Hoa Lư của nhà Đinh, nhà Tiền Lê thưở ấy, rất gần biển.
Năm 979, Đại Việt sử ký toàn thư chép: phò mã Ngô Nhật Khánh từng dẫn "thủy quân của vương quốc Chiêm Thành vào cướp, muốn đánh thành Hoa Lư, do hai cửa biển Đại ác và Tiểu Khang,qua một đêm gặp gió lớn nổi lên, thuyền đều chìm đắm".
Chú giải về cửa Đại ác, Tiểu ác khi dịch, khảo chứng cuốn sử này, GS Cao Huy Giu và GS Đào Duy Anh ghi: "Đại ác, tức cửa Đại An…Tiểu Khang tức cửa Tiểu ác" và trước đó các GS ghi: "nay là miền các xã Độc Bộ, Quần Liêu, huyện Đại An, tỉnh Nam Định (xưa cửa biển Đại An ở đấy)… tức cửa sông Càn, phía nam cửa Đại An, cũng gọi là cửa Tiểu Khang".
Mấy trăm năm sau, năm 1371, Đại Việt sử ký toàn thư vẫn chép: "Tháng 3 nhuận, người Chiêm Thành sang cướp, do cửa biển Đại An, tiến thẳng đến Kinh sư". Vẫn các GS Cao Huy Giu, Đào Duy Anh khi dịch và chú giải sách này đều ghi cửa biển Đại An, xưa là cửa Đại Nha, rồi cửa Đại ác, đời Lý đổi làm Đại An, sau là cửa Liêu ở khoảng xã Quần Liêu huyện Đại An, nay thuộc huyện Nghĩa Hưng. Thế kỷ XV, Nguyễn Trãi (1380 - 1442), từng có bài thơ Quan hải nổi tiếng với hai câu thơ như chân lý của muôn đời:
Họa phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỷ thiên niên
(Họa phúc có nguồn phải đâu do một buổi
Anh hùng để hận mấy ngàn năm).
Khi ông dừng thuyền ở cửa biển Thần Phù để ngủ đêm. Rồi ông còn có bài thơ Qua cửa Thần Phù. Như vậy, cho đến tận thế kỷ XV, kinh đô/cố đô Hoa Lư còn rất gần cửa biển Đại An/Đại ác, Tiểu ác/Tiểu An. Mãi đến những năm cuối của thế kỷ XX, tác giả Tạ Chí Đại Trường vẫn cắt nghĩa "cửa Đại Nha (cửa Đáy) lúc đó ở sâu trong đất liền ngày nay, gần Độc Bộ hơn bây giờ".
Dẫn lại các tài liệu như vậy, để thấy không gian địa - văn hóa của kinh đô/cố đô Hoa Lư, là một kinh đô ven biển. Bởi vậy, xem xét tính cách của chủ thể văn hóa của kinh đô/cố đô Hoa Lư, phải thấy tác động của vị thế địa - văn hóa của một kinh đô/cố đô ven biển.
Không phải không có tác giả nhìn nhận Hoa Lư như một địa điểm gần núi rừng mà không thấy ở Hoa Lư tính chất này. Các nhà địa chất học và khảo cổ học đã xác định trước thời đại đá cũ, đá mới, đây là vùng đất phù sa cổ ven chân núi có dấu vết người cư trú từ rất sớm. Vị thế địa - văn hóa ấy, khiến giao thương của cư dân kinh đô/cố đô Hoa Lư gắn bó với biển cả.
Nơi nhào nặn tính cách người Ninh Bình
Khác biệt cơ bản của vùng đất từng là kinh đô/ cố đô so với các vùng đất chưa có vị thế địa - văn hóa, địa - chính trị như vậy là sự nhào nặn tính cách con người. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ninh Bình hay nhắc đến câu ca: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch, cũng người Tràng An" để nói về tính cách người dân Ninh Bình.
Vấn đề cần đặt ra là tác động của Tràng An, hay nói một cách khác kinh đô/cố đô Hoa Lư, với vị thế địa - văn hóa của nó, có ảnh hưởng gì đến sự thanh lịch của người Tràng An. Không gian địa - văn hóa gần biển, giao thương sẽ phát triển. Phải chăng, nền tài chính của nhà nước quân chủ tập quyền bắt đầu ở đây. Năm 970 (năm Canh Ngọ), với hiệu năm là Thái Bình, Đinh Tiên Hoàng đế cho đúc tiền đồng, gọi là đồng tiền Thái Bình.Đồng tiền này được đúc bằng đồng, hình tròn, lỗ vuông, có thể xâu thành chuỗi, mặt phải có bốn chữ "Thái Bình Hưng Bảo", mặt sau có chữ Đinh.
Tác động của việc đúc tiền đồng, việc khách buôn các nước ngoài biển vào kinh đô Hoa Lư tặng/biếu quà cho nhà vua Đinh Tiên Hoàng, tới nét tính cách của người Tràng An mà các nhà văn hóa dân gian Ninh Bình ưa thích có lẽ cần được nhìn nhận kỹ hơn.
Dù là kinh đô đầu tiên của nhà nước quân chủ tập quyền trong một thời gian không dài của lịch sử, vị thế địa - chính trị của nó không phải không tác động đến tính cách con người. Đời sau vẫn cho rằng vua Đinh Tiên Hoàng có phần quá thiên về sử dụng hình phạt nghiêm khắc: đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi,và hạ lệnh: "Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn"?.
Nhưng nhận xét của Ngô Thì Sĩ trong Đại Việt sử ký tiền biên "Tiên Hoàng dấy lên từ một người áo vải, một lần nổi lên dẹp được 12 sứ quân. Rồi dựng nước, dựng kinh đô, đổi niên hiệu, chính ngôi vua. Võ công vang khắp, văn hóa đều đổi mới..." đáng cho ta suy ngẫm không chỉ về công lao của vua Đinh Tiên Hoàng, mà còn về văn hóa của kinh đô/cố đô Hoa Lư một thời.
Lời kết
Thời gian luôn là yếu tố có thể thay đổi nhiều hiện tượng văn hóa, nhưng nét hằng xuyên của nhiều hiện tượng văn hóa vẫn là điều chúng ta cần suy ngẫm. Vết hằn trong tâm thức nhiều thế hệ, chính là nét hằng xuyên ấy. Vị thế địa - văn hóa một thời của kinh đô/cố đô Hoa Lư không phải không tác động đến tính cách con người Ninh Bình, đó là một vấn đề lớn, mà bài viết này, quá lắm chỉ là một phác thảo, vâng, một phác thảo ban đầu!
Trích tham luận của: GS.TS Nguyễn Chí Bền
(Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia)