Ông Đinh Tiếp Ký là một nhà giáo rất am hiểu về lịch sử của quê hương và ông Nguyễn Văn Lạng, nguyên là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ-Hai người đều là người xã Sơn Lai, rất yêu quý quê hương, muốn viết về quê hương mình để cho các thế hệ trẻ sau này hiểu và tự hào về truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa của quê hương, nên đã mời ông Lã Đăng Bật cùng viết cuốn sách “Xã Sơn Lai - Đất và Người”.
Cuốn sách đã được Nhà xuất bản Thế giới xuất bản tháng 9 năm 2024, dày 256 trang, khổ sách 14,5 x 20,5 cm, in giấy cútsê, bìa cứng.
Tiến sĩ Bùi Thùy Linh, quê ở Sơn Lai đã viết trong sách: “… Việc ghi lại truyền thống về lịch sử và truyền thống của quê hương để các thế hệ con cháu biết là rất cần thiết. Họ mới có cơ hội hiểu được những gia tài vô giá về mặt tinh thần …” (Trang 223).
Đó chính là thông điệp của cuốn sách.
Nói về “Đất” Sơn Lai, thuộc huyện Nho Quan, thì đây là vùng đất cổ, dân tộc Mường sinh sống, có trước thế kỷ thứ X, trước thời vua Đinh Tiên Hoàng lập nên nhà nước Đại Cồ Việt.
Theo bài viết của cụ Tú tài Lương Văn Thăng - người Đảng viên Cộng sản đầu tiên của tỉnh Ninh Bình, viết vào năm Khải Định thứ 9 (1924), thì trước khi xây dựng Kinh đô Hoa Lư, nay thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, vùng đất xã Sơn Lai ngày nay đã là nơi vua quan nhà Đinh ở đây để chuẩn bị cho việc xây dựng Kinh đô Hoa Lư. Trang 114 viết: “Vạn Thắng Vương đóng ở Thung Lầu, Hành cung lập ở đồi Xát bên Đồng Báng. Vũ tướng đóng ở đồi Lát. Văn quan đóng ở đồi Me, đồi Lược… Vạn Thắng Vương bèn cho đóng tạm triều đình ở vùng Sơn Lai - Nho Quan, rồi chuẩn bị lực lượng, bao gồm dân binh, quân lính cùng tàn quân của các sứ quân ở Châu Hoan, Châu Ái về xây thành, đào hào, dựng cung điện ở đây. Sau một năm, thành quách hoàn chỉnh, cung điện trang nghiêm, Đinh Bộ Lĩnh cùng bá quan văn võ triều đình dời thành đô Sơn Lai về Kinh đô Hoa Lư, chính thức lên ngôi Hoàng đế”.
Điều đó thể hiện xã Sơn Lai đã có sự gắn bó với vua Đinh Tiên Hoàng từ thế kỷ thứ X.
Nét độc đáo của xã Sơn Lai là về điều kiện tự nhiên, đồi núi xen lẫn đồng bằng chiêm trũng, cao thấp đan xen, có sông ngòi, có rừng, có đất bán sơn địa. Có thể nói, xã Sơn Lai là địa hình của tỉnh Ninh Bình thu nhỏ, chỉ thiếu biển.
Điểm nhấn của cuốn sách là lịch sử của xã Sơn Lai “là một trong số ít xã có phong trào cách mạng sớm. Xã có hơn 100 lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa, đồng thời có đến 142 liệt sĩ, 19 Bà mẹ Việt Nam anh hùng …” (Trang 4 “Lời đầu sách”).
Vì vậy, sách đã có 64 trang viết về lịch sử xã Sơn Lai. Nơi đây, cùng với xã Quỳnh Lưu đã là cái nôi của phong trào cách mạng của huyện Nho Quan, cũng như của tỉnh Ninh Bình. Đồng chí Lương Văn Thăng và đồng chí Vũ Thơ đã lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động cách mạng ở xã Sơn Lai cùng với các chiến sĩ cách mạng và Nhân dân, đánh phong kiến, đánh đuổi Nhật, Pháp và giành được chính quyền vào tháng 8 năm 1945.
Không những thế, xã Sơn Lai còn có 10 “Di tích Lịch sử - Văn hóa” và “Di tích Lịch sử” đã được Nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình công nhận và cấp bằng Di tích. Đây là một xã có nhiều di tích lịch sử.
Về văn hóa, xã có nhiều đình, đền, chùa gắn liền với lịch sử dân tộc như: Đình Me thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đặc biệt có giếng Me rất rộng, đường kính 12 m, thành giếng bằng đá, sâu 7 m. Đây là giếng nước đã đi vào ca dao, tục ngữ của nhân dân: “Nước giếng Me, chè Ba Trại”; Đình làng Chàng thờ thần Quý Minh; Đình làng Bái thờ Tản Viên, Cao Sơn và Quý Minh; Đình làng Vẽo thờ 4 vị thần có công phò tá giữ gìn đất nước; Đình Lược thờ một vị tướng của vua Đinh Tiên Hoàng; Đình thôn Xát thờ vua Đinh Tiên Hoàng; Đình làng Xưa thờ Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh.
Về đền có đền Hạ Thái Sơn; đền Mộc Hoàn. Đặc biệt đền Thượng Thái Sơn thờ Công chúa nước Lào là Nhồi Hoa Công chúa được vua nước Lào cử sang giúp nước Việt, không may khi trở về nước đã mất tại đây. Hiện nay còn lăng mộ của Công chùa ở đồi Đền thuộc thôn Thái Sơn.
Về “Người” Sơn Lai, tham gia cách mạng rất sớm, đóng góp công lao trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, chiến tranh biên giới và thời kỳ hòa bình đổi mới xây dựng đất nước phát triển đi lên.
Xã Sơn Lai tự hào có ông Vũ Thơ là Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình và là Bí thư Tỉnh ủy một số tỉnh khác. Có ông Vũ Bình là con trai ông Vũ Thơ là Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài; có Giáo sư - Tiến sĩ - Trung tướng Trần Hữu Phúc và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng cùng nhiều người là Đại tá Công an, Quân đội, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, giám đốc, nhà giáo…
Trước đây cũng như ngày nay, người Sơn Lai vốn yêu nước, hăng say chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, cần cù chịu khó trong lao động để xây dựng quê hương, đất nước.
Có thể nói, xã Sơn Lai là một trong số ít xã của tỉnh Ninh Bình có Đất và Người như thế, là xã điển hình, tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình, chúng ta cần đọc sách để góp phần hiểu thêm về “Đất và người Ninh Bình” - Một vùng đất “Địa linh nhân kiệt”.
Chính vì vậy, “Lời đầu sách” viết: “Việc ra đời cuốn sách “Xã Sơn Lai - Đất và Người” là điều cần thiết, để lưu lại cho các thế hệ mai sau niềm tự hào về quê hương của mình, từ đó phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng quê hương và đất nước”.