Công ty TNHH Hui Yao VN (thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô) thành lập từ năm 2019. Đây là đơn vị gia công đế giày cho các công ty sản xuất giày lớn. Vì vậy, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông quanh năm. Nếu có đủ lao động, Công ty sẽ mở rộng thêm dây chuyền để tăng năng suất lên 1,5-1,6 triệu đôi/năm. Nhưng vì thiếu lao động nên việc mở rộng dây chuyền chưa thể thực hiện. Vì vậy, Công ty cũng không thể nhận thêm các đơn hàng mới với số lượng lớn.
Chị Hoàng Thị Nhài, phụ trách nhân sự Công ty thừa nhận: Việc tuyển dụng lao động chưa bao giờ khó khăn như thời điểm này, mặc dù Công ty thường xuyên thực hiện các chiến dịch truyền thông bằng hình thức phát tờ rơi, qua mạng xã hội Facebook, từ sự quảng bá, giới thiệu của chính người lao động đang làm việc tại Công ty… Để tăng sức hút người lao động, Công ty cũng thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động, thực hiện chế độ đãi ngộ hấp dẫn… Mức lương mà người lao động hiện đang được thụ hưởng dao động từ 6-20 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay trên địa bàn huyện Yên Mô có gần 300 doanh nghiệp, trong đó có 12 doanh nghiệp lớn đang hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 10 nghìn lao động. Trung bình mỗi năm, giải quyết việc làm mới cho trên 2 nghìn lao động địa phương. Đặc biệt, nếu như những năm trước đây, nhiều lao động ngoài tuổi 35 phải rất vất vả để tìm việc làm thì đến nay tình trạng này được khắc phục rất nhiều. Tính riêng 9 tháng năm 2024, toàn huyện có 1.950 lao động được giải quyết việc làm, đạt 78% kế hoạch tỉnh giao. Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng số lao động trên 35 tuổi chiếm 50% tổng số lao động tại doanh nghiệp.
Ông Bùi Văn Vợi, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô cho biết: Hiện nay các đơn vị sản xuất may mặc, giày da trên địa bàn cũng tuyển dụng với nhu cầu lớn. Nhiều doanh nghiệp chủ động tìm lao động, đây là cơ hội lớn cho lao động địa phương, trong đó có những lao động trở về từ ngoại tỉnh. Rõ ràng, đó là tín hiệu vui vì mức thu nhập ở các doanh nghiệp tại quê nhà đã có sự cải thiện đáng kể, đủ sức hút ngược nguồn lao động đang làm việc ở các địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao của cả nước như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Bắc Ninh…
Từ đầu năm 2024 tới nay, bằng nhiều biện pháp chủ động thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đang trên đà phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thị trường lao động vì thế mà có nhiều khởi sắc. Nhu cầu sử dụng lao động có xu hướng phân hóa theo từng ngành sản xuất, kinh doanh, tùy theo diễn biến của kinh tế trong và ngoài nước.
Nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn thuộc về ngành du lịch, dịch vụ. Nhóm ngành xuất khẩu vốn gặp khó khăn như may mặc, giày da… đang có sự chuyển biến rất tích cực. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng “đỏ” mắt tìm lao động nhất là ở thời điểm những tháng cuối năm để chạy các đơn hàng lớn.
Tính riêng trong phiên giao dịch việc làm được tổ chức vào đầu tháng 9/2024, các doanh nghiệp đã gửi trên 10 nghìn chỉ tiêu tuyển dụng tới sàn giao dịch việc làm. Trong đó, yêu cầu trình độ trung cấp trở lên là 354 người, còn lại là trình độ sơ cấp và lao động phổ thông. Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn như: Công ty TNHH giầy ADORA (Tam Điệp), Công ty TNHH MCNEX, Công ty TNHH giầy Athena (Yên Mô)…
Theo số liệu từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh ước giải quyết việc làm cho 15.948 người (đạt 82,2% so với kế hoạch năm, trong đó đưa 1.252 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 89,4% so với kế hoạch năm). Cơ hội việc làm lớn, số lượng lao động làm thủ tục hưởng chế độ BHTN cũng giảm đáng kể. 9 tháng đầu năm 2024, số người được giải quyết BHTN trên địa bàn tỉnh ta là 4.442 người, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong số đó, có trên 1.000 người là lao động bị mất việc ở địa phương khác. Chế độ BHTN được coi là “phao cứu sinh” góp phần giúp người lao động ổn định cuộc sống khi bị mất việc làm.
Nhằm hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tăng cường thêm nhân lực hỗ trợ thêm Phòng BHTN trong công tác tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn, tư vấn thủ tục cho người lao động thất nghiệp. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn nhằm liên kết, đào tạo lại nghề cho lao động thất nghiệp để họ sớm có cơ hội quay trở lại thị trường. Đặc biệt, đơn vị cũng đã chú trọng công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động cho người lao động. Tăng cường kết nối cung-cầu theo nhiều hình thức: Qua trang thông tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, điện thoại, thư điện tử, mạng xã hội… Tuy nhiên, số liệu từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho thấy số lao động thất nghiệp đăng ký học nghề vẫn còn rất thấp.
Ông Lã Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động phải nộp đủ BHTN 12 tháng trở lên, nhưng đối với người được hỗ trợ học nghề thì người lao động chỉ cần đóng đủ từ 9 tháng trở lên là đã có quyền được hỗ trợ học nghề.
Tuy nhiên, đây là quyền lợi mà bị chính người lao động bỏ quên. Bởi vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề để người lao động hiểu và tận dụng tối đa quyền lợi được hỗ trợ học nghề khi hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khi tham gia học để chuyển đổi nghề nghiệp sẽ giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động với công việc phù hợp và ổn định hơn.
Cùng với đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách BHTN, Trung tâm cũng sẽ xây dựng các mô hình chuẩn hoạt động về BHTN để thực hiện tốt các nhiệm vụ về BHTN, tư vấn, thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và đào tạo nghề. Đồng thời, tăng cường ứng dụng CNTT trong lĩnh vực BHTN để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, và cũng là biện pháp nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp hưởng BHTN sai quy định.